LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA LIÊN ĐOÀN ĐỊA CHẤT TRUNG TRUNG BỘ
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập. Ngày 03 tháng 10 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 41/SL là cơ sở mở đầu cho Ngành Địa chất Việt Nam thuộc chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà. Qua qúa trình phát triển, ngày 01 tháng 5 năm 1962 Tổng cục Địa chất đã phối hợp với ủy ban Thống Nhất Trung ương thành lập Đoàn Địa chất vào Nam, tháng 5 năm 1963 Đoàn được lệnh vào chiến trường khu V, nhiệm vụ khảo sát địa chất, tìm kiếm tài nguyên khoáng sản, trước hết là tự sản xuất một số vũ khí và tìm kiếm muối ăn phục vụ kháng chiến. Tháng 5 năm 1974 Trung ương Đảng đã chỉ đạo bổ sung lực lượng và thành lập Đoàn Chỉ đạo Địa chất Trung Trung Bộ, đây là tổ chức tiền thân của Liên đoàn Địa chất 5.
Liên đoàn Địa chất 5 được thành lập ngày 22 tháng 11 năm 1975 theo Quyết định số 207/CP của Hội đồng Chính phủ; là đơn vị trực thuộc Tổng cục Địa chất, có nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò địa chất đối với các khoáng sản rắn trong khu vực từ Nam Đà Nẵng trở vào đến Ninh Hòa - Ban Mê Thuột.
Liên đoàn Địa chất 5 được đổi tên thành Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam theo Quyết định số 892/QĐ-TCCB ngày 20 tháng 6 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.
Hoạt động của đơn vị
Từ ngày thành lập đến nay, cơ cấu tổ chức của Liên đoàn có nhiều thay đổi. Hiện nay theo Quyết định số 403/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ trực thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, có chức năng thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, địa chất công trình, địa chất thủy văn, địa chất tai biến, thăm dò khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc vùng Trung Trung Bộ và các vùng lãnh thổ khác khi được phân công.
Tóm tắt cơ cấu tổ chức: Lãnh đạo Liên đoàn gồm Liên đoàn trưởng, Phó Liên đoàn trưởng; có 3 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; 4 đơn vị trực thuộc.Tổng số cán bộ công chức, viên chức và người lao động: 160 người. Đảng bộ Liên đoàn trực thuộc Đảng bộ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, có 6 chi bộ trực thuộc; Công đoàn trực thuộc Công đoàn Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có 4 công đoàn cơ sở thành viên. Đoàn Thanh niên trực thuộc Đoàn Thanh niên Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, có 2 chi đoàn.
Những thành tích đạt được
Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ đã thực hiện trên 200 dự án, đề án và đề tài về điều tra địa chất và đánh giá, thăm dò khoáng sản trên địa bàn rộng lớn gồm các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Thành tựu đạt được của Liên đoàn trong từng giai đoạn như sau:
Từ năm 1975 đến năm 1990
Sau khi được thành lập, Liên đoàn Địa chất 5 có nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò các khoáng sản trên địa bàn từ nam Đà Nẵng trở vào đến Ninh Thuận, Ban Mê Thuột trên diện tích gần 70.000 km2, đồng thời làm nhiệm vụ quản lý khoáng sản trên địa bàn hoạt động của mình.
Liên đoàn thực hiện nhiều đề án thăm dò, đánh giá lại các mỏ khoáng sản cũ như vàng Bồng Miêu; than Nông Sơn, Ngọc Kinh; chì - kẽm Đức Bố (Quảng Nam) và sắt Mộ Đức (Quảng Ngãi). Bên cạnh đó tiến hành điều tra, đánh giá, thăm dò nhiều loại khoáng sản khác nhau: vàng Pu Nếp, Trung Mang, Đakla, Tiên An; đá vôi A Sờ; kaolin Đèo Le; felspat Phú Toản; graphit Hưng Nhượng, Trà Bồng, Tiên An; bauxit Kon Hà Nừng, Măng Đen, Vân Hòa; mica Đại Lộc, Ba Tơ; than Sườn Giữa; wolfram - thiếc Bà Na; sa khoáng titan Đề Gi, Phù Mỹ - Hội An,...
Kết quả công tác điều tra, thăm dò khoáng sản trong thời gian này là cơ sở quan trọng giúp các ngành kinh tế, các địa phương có kế hoạch khai thác hiệu quả khoáng sản phục vụ thiết thực cho việc phục hồi và phát triển kinh tế địa phương và đất nước sau chiến tranh.
Từ năm 1991 đến năm 1996
Với sự đổi mới về cơ chế và tổ chức, ngành Địa chất Việt Nam được tổ chức lại theo hướng nghiên cứu, điều tra cơ bản, không còn thực hiện các đề án thăm dò khoáng sản như giai đoạn trước.
Liên đoàn đã thực hiện 3 đề án đo vẽ bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản tỷ lệ 1: 50.000 các nhóm tờ Măng Xim, Quy Nhơn, Phù Mỹ và 1 đề án tỷ lệ 1: 25.000 nhóm tờ Bà Nà. Ngoài kết quả đo vẽ bản đồ, đã phát hiện nhiều điểm khoáng sản quan trọng: vàng, sắt, đá ốp lát, kaolin, vật liệu xây dựng..., làm cơ sở thành lập nhiều đề án đánh giá các khoáng sản có triển vọng.
Thành tựu nổi bật nhất là thực hiện các đề án đánh giá triển vọng vàng gốc (và các khoáng sản khác đi kèm) tại các vùng: Trà Dương, Suối Giây, Tiên Hà - Hiệp Đức (Quảng Nam), Tiên Thuận, Vĩnh Thạnh, Kim Sơn (Bình Định), Nam An Khê, Kon Chơ Ro, Ia Tae - Ia Meur (Gia Lai), Đak Tơ Re (Kon Tum), Sông Hinh, Trãng Sim (Phú Yên), Trà Thủy - Trà Nú (Quảng Ngãi),... nhiều khu mỏ đã và đang được các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước khai thác có hiệu quả.
Đá ốp lát được phát hiện rất nhiều mỏ có màu sắc khác nhau từ màu đỏ, hồng, vàng, xanh, đen, tím, trắng tại các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên. Hầu hết các mỏ này đều được điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác và chế biến phục vụ trong nước và xuất khẩu. Nước khoáng cũng được phát hiện và đánh giá ở Thạch Bích, Nghĩa Thuận (Quảng Ngãi)...
Từ năm 1997 đến nay
Liên đoàn tiếp tục thực hiện một số đề án đánh giá triển vọng khoáng sản vàng gốc tại các vùng Phước Kim - Phước Thành, Trà Nú - Trà Thủy; các đề án đánh giá đá ốp lát khu An Thọ (Phú Yên), tỉnh Ninh Thuận, khu An Tân, Chư Gô, Chư A Thai (Gia Lai); Đề án “Điều tra, đánh giá nước dưới đất 5 vùng trọng điểm tỉnh Kon Tum” và một số đề án khác.
Đặc biệt thành tựu nổi bật nhất của Liên đoàn trong thời gian này là phát hiện mỏ kim loại hiếm Liti vùng La Vi, tỉnh Quảng Ngãi và điều tra, đánh giá phát hiện sa khoáng titan - zircon vùng ven biển Nam Trung Bộ:
- Đề án “Đánh giá triển vọng quặng thiếc và kim loại hiếm (Ta, Li, Be) vùng La Vi, tỉnh Quảng Ngãi”: Kết quả ngoài quặng thiếc, đã phát hiện mỏ quặng kim loại hiếm Liti với tài nguyên dự báo rất khả quan. Đây là một phát hiện quan trọng đầu tiên về kim loại hiếm đối với nước ta, kể cả khu vực Đông Nam Á, có ý nghĩa lớn về mặt khoa học và kinh tế; mở ra tiền đề tìm kiếm phát hiện các mỏ kim loại hiếm khác trên những vùng có cấu trúc địa chất tương tự. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường rất quan tâm và đánh giá cao phát hiện quan trọng này.
- Đề án “Điều tra, đánh giá triển vọng sa khoáng ven biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu”: Đã phát hiện tầng cát đỏ ven biển Nam Trung Bộ chứa titan-zircon với quy mô rất lớn. Việc phát hiện quan trọng này được Chính phủ đặc biệt quan tâm và quyết định đầu tư điều tra, đánh giá.
- Đề án “Điều tra đánh giá tiềm năng sa khoáng titan - zircon trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa - Vũng Tàu”: Đây là đề án cấp Chính phủ được thành lập sau phát hiện mỏ sa khoáng titan - zircon trong tầng cát đỏ của Liên đoàn. Đề án do Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam quản lý, điều hành và giao cho 11 đơn vị thực hiện, trong đó Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức điều hành thi công Đề án. Kết quả đã khoanh định được 782 km2 diện tích phân bổ tầng cát đỏ chứa sa khoáng titan-zircon đạt chỉ tiêu công nghiệp, trong đó đề nghị chuyển qua thăm dò 150km2 với tài nguyên 131 triệu tấn, đủ để khai thác ổn định trong 50 năm. Tiềm năng tài nguyên dự tính, dự báo là 557,9 triệu tấn, vượt 2,8 lần so với mục tiêu đề án. Với kết quả này đưa Việt Nam vào trong những nước có tiềm năng titan-zircon lớn nhất thế giới.
- Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng bauxit, quặng sắt laterrit miền nam Việt Nam” do Liên đoàn thành lập đã được Chính phủ phê duyệt trên diện tích 11.884km2 trong phạm vị 9 tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Đề án đang được 12 đơn vị trong Tổng cục thi công, trong đó Liên đoàn là đơn vị được giao chủ trì.
- Đề án “Đánh giá tiềm năng các diện tích có triển vọng nhất vùng quặng thiếc Lâm Đồng - KhánhHoà” do Liên đoàn thành lập đã được Chính phủ phê duyệt trên diện tích 22.000km2 trong vùng Lâm Đồng - Khánh Hòa, phần lãnh thổ mà Đề án đã được giao điều tra bao gồm một phần của Cao nguyên Lâm Đồng và một phần ven biển Nam Trung Bộ; bao gồm một phần diện tích của các tỉnh: Lâm Đồng, Khánh Hoà, Ninh Thuận,Bình Thuận, Đồng Nai.
Ngoài các đề án nhà nước đặt hàng, Liên đoàn đã điều tra đánh giá bauxit các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước; thăm dò titan Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận … trong khuôn khổ hợp đồng với các đối tác và tập đoàn kinh tế như: Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập doàn An Viên, Công ty Phú Hiệp, Tổng Công ty Đông Bắc...
Trong hơn 10 năm trở lại đây, Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ không ngừng phát triển về mọi mặt và thực sự đã trở thành một trong những đơn vị có năng lực chuyên môn và thu nhập bình quân vào tốp đầu của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đã đạt được
- Huân chương Lao động hạng Ba năm 1985;
- Cờ Thi đua của Chính phủ năm 1996;
- Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1998;
- Cờ Thi đua Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2006;
- Bằng khen Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2007:
- Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2008;
- Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2009:
- Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2010;
- Cờ Thi đua xuất sắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2011; -
- Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2011;
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012.
- Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2014.
Cùng nhiều hình thức khen thưởng của các địa phương trong khu vực hoạt động và các tổ chức đoàn thể.
Trong giai đoạn hiện nay, trước những khó khăn chung của đất nước, của ngành và của Liên đoàn, cán bộ, viên chức và người lao động Liên đoàn đã nêu cao tinh thần vượt khó, năng động trong cơ chế thị trường tích cực mở rộng các mối quan hệ hợp tác, liên kết với các tổ chức kinh tế, các địa phương để phát triển hoạt động dịch vụ địa chất, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần ổn định đời sống.